Yếu tố quyết định một báo cáo thường niên có chất lượng?
Sau hàng loạt vụ bê bối tài chính những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 như Enron, WorldCom, Tyco International, Adelphia… gây tổn thất khoảng 500 tỷ USD giá trị thị trường trong giai đoạn 2000 – 2002, những nhà điều hành và giám sát thị trường Mỹ đã đề ra Đạo luật Sarbanes-Oxley vào năm 2002, được xem là đạo luật cải cách chế độ kế toán của công ty đại chúng và bảo vệ NĐT.
Tăng chất lượng báo cáo cũng phải trả giá
Mục tiêu của đạo luật này là nhắm đến giải quyết các vấn đề nổi cộm của báo cáo tài chính, trong đó chú trọng vào các vấn đề như tính độc lập của nhà kiểm toán, trách nhiệm của lãnh đạo công ty đối với tính chính xác và đầy đủ của báo cáo tài chính, nâng cao tính minh bạch của báo cáo (trong trường hợp của Mỹ là phải có hướng dẫn chi tiết về các khoản mục giao dịch ngoại bảng, các chi tiết và nền tảng số liệu dự báo về doanh thu, lợi nhuận và giao dịch cổ phiếu, các kế hoạch thưởng cổ phiếu và tiền cho lãnh đạo…).
Tháng 5/2006, Công ty Lord & Benoit cho biết, từ khi áp dụng Đạo luật Sarbanes-Oxley, những công ty có thể phát hiện và chỉnh sửa yếu kém trong báo cáo tài chính và chế độ kiểm soát nội bộ của mình đã có giá cổ phiếu tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc tuân thủ báo cáo theo chuẩn mực Sarbanes-Oxley đã tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc của các công ty đại chúng. Theo nghiên cứu của FEI (Financial Executives International) đối với khoảng 200 công ty của Mỹ, chi phí cho việc tuân thủ chuẩn mực Sarbanes-Oxley của công ty có doanh thu bình quân 6,8 tỷ USD là khoảng 2,9 triệu USD trong năm 2006.
Vì vậy, có thể nói, Sarbanes-Oxley có mặt tốt là tạo ra tính minh bạch và rõ ràng hơn nhằm bảo vệ NĐT, nhưng cũng có mặt bất lợi là tạo áp lực rất lớn về thời gian và chi phí của công ty. Đó là chưa kể cấp lãnh đạo phải dành nhiều thời gian hơn cho chuyện làm báo cáo, thay vì tập trung vạch ra chiến lược sáng tạo cho cạnh tranh.
Câu chuyện về Đạo luật Sarbanes-Oxley ở Mỹ khiến chúng ta có thể liên tưởng đến việc ít DN niêm yết của Việt Nam muốn làm một báo cáo chất lượng, có thể là vì sự tốn kém, nặng nề và khó khăn của một báo cáo tốt. Đối với DN mà khả năng của những người chịu trách nhiệm làm báo cáo còn hạn chế, đặc biệt là về mặt kiểm soát, về báo cáo nội bộ và hệ thống công nghệ thông tin thì đây là một vấn đề lớn. Chú tâm quá nhiều vào giải trình và giải thích các vấn đề phức tạp về kế toán, kinh doanh và quản trị rủi ro trong một báo cáo thường niên hay một báo cáo tài chính quý hay giữa năm thì sẽ xao nhãng việc tập trung vào kinh doanh hoặc tạo thêm nhiều chi phí về nhân lực và giấy tờ, lẫn chi phí kiểm toán và tư vấn. Điều đó làm nản lòng nhiều công ty. Rõ ràng ở Mỹ, nếu Sarbanes-Oxley không phải là một đạo luật, thì không có công ty nào muốn tự nguyện ôm vào mình trách nhiệm minh bạch hơn nữa.
Câu chuyện về người có và người không có thông tin
NĐT có thông tin thường là NĐT có tổ chức hay có nhiều mối quan hệ, có kiến thức, kỹ năng tìm kiếm và lọc thông tin trên thị trường, có xu hướng giữ các thông tin riêng của mình và lợi dụng điều đó để trục lợi, tận dụng sự không cân xứng về thông tin để đưa ra các tin đồn, bài phân tích hay các lệnh mua bán làm giá ảnh hưởng đến thị trường. Và người thiệt thòi chỉ là NĐT không có thông tin. Người ta thường nhắc chuyện một số quỹ đầu tư của Mỹ trong cuộc đổ vỡ bong bóng Internet năm 2000 vẫn đưa ra nhận định ủng hộ việc mua vào cổ phiếu công nghệ, trong khi âm thầm bán ra.
Câu chuyện này dường như thấp thoáng bóng dáng của nó trong vấn đề báo cáo thường niên ở Việt Nam. Một số nhà phân tích và NĐT có thông tin cảm thấy, tình trạng thiếu thông tin là một cơ hội để mình sử dụng những thông tin riêng, cá nhân để tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn cho mình. Điều này phản ánh tâm lý làm ăn dựa vào quan hệ và thông tin nội bộ ở Việt Nam. Một nhà phân tích có kinh nghiệm của Việt Nam dễ dàng cảm thấy mình có giá trị hơn, do có nhiều mối quan hệ thông tin với các công ty niêm yết và cơ quan quản lý. Từ các thông tin riêng ấy, anh ta có thể đề xuất mua đúng loại cổ phiếu tốt và tránh được cổ phiếu xấu. Và như vậy, anh ta được đánh giá cao.
Tương tự như vậy, nhiều NĐT thành công vì nhờ có thông tin nội bộ hay thông tin riêng về những gì còn mù mờ trong các báo cáo. Bằng những cú điện thoại, bữa ăn tối, họ có thể có thông tin mà người khác không có hay đang tìm cách hỏi mà không được trả lời. Rõ ràng, ở đây có một sự mâu thuẫn về lợi ích giữa những người có thông tin và người không có thông tin trong trường hợp thông tin được cung cấp ngày càng minh bạch hơn. Ngay chính các NĐT và nhà phân tích, những người cần nhất những báo cáo tài chính tốt hơn, có thể cũng không có động lực yêu cầu sự tốt hơn ấy, vì họ có thể đạt được những thứ “còn tốt hơn nữa” bằng con đường khác.
NĐT Việt Nam đòi cứu thị trường nhiều hơn là đòi minh bạch
Nhiều NĐT Việt Nam không yêu cầu “một báo cáo minh bạch hơn cho mọi người”, mà chỉ đòi hỏi một “mức giá tốt đẹp hơn cho mọi người”. Điều này càng khiến công ty không có động lực cạnh tranh về thông tin. Ngay trong giai đoạn TTCK phát triển mạnh (2006 – 2007) cũng không mấy CTCK đặt nặng vấn đề cung cấp các sản phẩm phân tích (trong đó có phân tích báo cáo tài chính) và cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng. NĐT cũng không mấy quan tâm đến điều đó. Họ không quan tâm đến việc có thể đọc và phân tích tốt bản báo cáo ấy hay không. Thực tế, khi thị trường đi xuống, rất nhiều ý kiến bàn cách cứu thị trường, nhưng hiếm khi thấy ý kiến chỉ trích những báo cáo tài chính thiếu rõ ràng. Có lẽ, họ đã quen với điều ấy. Và khi NĐT, nhà phân tích đã quen với những báo cáo kém chất lượng, họ không đòi hỏi quyết liệt một báo cáo có chất lượng.
Động lực cho một báo cáo thường niên tốt
Một thị trường chuyên nghiệp hơn, NĐT am hiểu hơn và nhiều tổ chức đầu tư có quy mô hơn tham dự thì tự nhiên yêu cầu về một báo cáo minh bạch hơn sẽ tăng lên. Rõ nhất là khi trình độ NĐT tăng lên, họ sẽ tự mình kiểm chứng báo cáo phân tích của các CTCK, tự mình tìm hiểu báo cáo tài chính. Mặt khác, tổ chức đầu tư càng lớn, càng chuyên nghiệp thì càng chịu nhiều sức ép phải tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức của các hiệp hội ngành nghề và tổ chức mà họ tham gia. Vì vậy, họ rất ngại các hành vi dựa vào quan hệ để tìm kiếm thông tin, thay vào đó sẽ đòi hỏi minh bạch thông tin. Và sức ép thị trường buộc các công ty đại chúng phải cải thiện báo cáo tài chính, chứ không chỉ báo cáo thường niên để thu hút NĐT, cạnh tranh giành “khách đầu tư”. Công ty nào không đáp ứng yêu cầu về một báo cáo minh bạch hơn sẽ bị trừng phạt bằng kỷ luật thị trường, nghĩa là cổ phiếu giảm giá nhiều, ban lãnh đạo mất uy tín và có thể “mất ghế”.
Với thực tế đào tạo nhân sự cho lĩnh vực chứng khoán hiện nay ở Việt Nam còn nhiều điều phải bàn, cơ cấu NĐT nhỏ lẻ đông đảo và với chất lượng đào tạo chênh lệch lớn giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo, vấn đề nâng cao trình độ và tầm vóc của TTCK không phải là một sớm, một chiều. Mặt khác, quy mô thị trường của chúng ta vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của những tổ chức đầu tư tầm cỡ, vì hạn chế về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong công ty Việt Nam và hạn chế IPO các DN nhà nước lớn. Vì vậy, khi chờ kỷ luật thị trường đến từ bàn tay vô hình, chúng ta phải dùng đến các chế tài của bàn tay hữu hình.
Khi dùng bàn tay hữu hình, tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và tính chủ quan của người lập ra các quy định, tiêu chuẩn và chế tài về chuyện báo cáo, ví dụ như những nội dung đề ra phải thuyết minh rõ ràng thì có thể phù hợp cho DN này, nhưng không phù hợp cho DN khác. Đó là những điều không thể tránh khỏi. Nhưng đưa ra một chuẩn tối thiểu, biểu mẫu và hướng dẫn tối thiểu về những gì cần minh bạch hơn nữa trong báo cáo tài chính, nhất là phần thuyết minh, diễn giải thêm thì sẽ tốt hơn là để tính không minh bạch lên đến tình trạng đáng báo động. Trong điều kiện mà bàn tay vô hình trên thị trường chưa đủ mạnh để tác động làm cho DN tự giác xây dựng báo cáo thường niên nói riêng, báo cáo tài chính nói chung và xa hơn nữa là hệ thống kiểm soát nội bộ tốt hơn, thì chúng ta phải chọn cách ép buộc bằng các chế tài của bàn tay hữu hình. Có thể sẽ có những sai lầm và thiếu sót, nhưng đối với tình hình thị trường Việt Nam, buộc chúng ta phải chọn lựa ít xấu thứ hai (chưa dám gọi là tốt thứ hai) cho vấn đề báo cáo tài chính. Làm sao để giải pháp kết hợp hai bàn tay cùng một lúc, trở thành lựa chọn tốt thứ hai là nghệ thuật của cơ quan quản lý và giám sát thị trường.
Hồ Quốc Tuấn, Thạc sỹ tài chính, Trường đại học Melbourne – Vietstock.vn